Kết luận của UBND tỉnh tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 tỉnh vào ngày 03/5/2021
Ngày 03/5/2021, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh họp trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố để nghe báo cáo rà soát tình hình công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 và chỉ đạo một số biện pháp cấp bách, quyết liệt nhằm ngăn chặn dịch bệnh trong thời gian tới.
Tham dự và chủ trì cuộc họp có đồng chí Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh; tham dự tại điểm cầu phòng họp 301 Văn phòng UBND tỉnh có các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh và lãnh đạo các Sở, ngành liên quan; tại điểm cầu các địa phương có Ban Thường vụ; Bí thư cấp ủy; Chủ tịch UBND và Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 các huyện, thị xã, thành phố.
Sau khi nghe Sở Y tế – cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo báo cáo và ý kiến của các thành viên dự họp, trên tinh thần phát biểu chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, yêu cầu xem tháng 5/2021 là đợt cao điểm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đồng chí Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh có ý kiến chỉ đạo một số biện pháp cấp bách quyết liệt ngăn chặn dịch bệnh trong thời gian tới như sau:
1. Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các hướng dẫn của Bộ Y tế; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, thực hiện đúng các quy định về phòng chống dịch, nhất là trong khâu quản lý, giám sát y tế trong và sau cách ly tập trung.
2. Trước mắt, phải kích hoạt toàn bộ hoạt động cũng như lực lượng phòng chống dịch của các địa phương, đơn vị. Các cơ quan truyền thông tiếp tục tăng cường tuyên truyền, thông tin kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh Covid-19 để người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong phòng bệnh, không hoang mang lo lắng, nhưng không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh; công tác tuyên truyền phải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, đầy đủ.
Tiếp tục kiểm soát, phát hiện xử lý các trường họp vi phạm quy định phòng chống dịch. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, các chợ, siêu thị, nhà hàng, trường học, bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh,… thực hiện đúng quy định về đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch.
Tất cả người dân đến nơi công cộng, quảng trường, công viên, bãi tắm, bãi biển… phải đeo khẩu trang. Xử lý nghiêm những trường hợp nào không chấp hành (không nhắc nhở); đối với những địa phương nào không thực hiện tốt sẽ bị xem xét xử lý trách nhiệm theo quy định.
3. Bà Rịa – Vũng Tàu là tỉnh có nhiều Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, người lao động tỉnh ngoài và khu giáp ranh vào làm việc nhiều, môi trường làm việc trong các đơn vị sản xuất, doanh nghiệp rất đông công nhân và thường xuyên tiếp xúc gần; vì vậy nguy cơ lây nhiễm và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng rất cao. Do đó, các doanh nghiệp trên địa bàn phải có kế hoạch sẵn sàng đáp ứng các tình huống xảy ra. Tất cả chủ doanh nghiệp, đơn vị phải ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, phối hợp với chính quyền địa phương khi xảy ra dịch.
Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh chủ động phối hợp cùng với Sở Y tế, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan tiếp tục đi sâu sát, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, kiếm tra, giám sát việc thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 tại các đơn vị.
4. Đối với nhà hàng, cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ trong nhà, chủ cơ sở phải vệ sinh khử khuẩn; bảo đảm khách giãn cách theo quy định, không sử dụng đồ chung; khuyến khích khách hàng mang về. Trường hợp không đáp ứng đầy đủ công tác phòng chống dịch của Bộ Y tế, cơ quan chức năng sẽ buộc tạm ngưng hoạt động cơ sở kinh doanh.
5. Phương tiện vận tải hành khách công cộng, các dịch vụ vận tải, vận chuyển trên địa bàn tỉnh thực hiện theo đúng các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định và hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế. Sở Giao thông vận tải khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thực tế, phối hợp với Sở Y tế để xem xét, có hướng dẫn cụ thể quy định phòng, chống dịch Covid-19 đối với các đơn vị kinh doanh vận tải, các bến xe khách, bến tàu. Trường hợp vượt thẩm quyền phải kịp thời báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định
6. Các hoạt động khác ngoài các hoạt động tạm dừng (theo yêu cầu của Bộ Y tế và UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh) được hoạt động nếu có cam kết và đủ điều kiện thực hiện các nội dung, biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; trường hợp không đáp ứng đầy đủ thì buộc tạm dừng hoạt động cho đến khi bảo đảm yêu cầu công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Đối với các sự kiện phục vụ mục đích chính trị, kinh tế, xã hội thực sự cần thiết phải tổ chức thì do cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
7. Lưu ý tất cả người dân ra khỏi tỉnh vào kỳ nghỉ lễ khi quay lại đều phải khai báo đầy đủ thông tin về những địa phương đã đi qua, trong đó:
– Người làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học… thực hiện khai báo tại cơ quan, đơn vị của mình. Cá nhân và lãnh đạo đơn vị chịu trách nhiệm về tổ chức khai báo cho người lao động, học sinh, sinh viên.
– Những trường hợp trở về từ các tỉnh, thành phố đang có dịch phải liên hệ ngay chính quyền và y tế địa phương để được hướng dẫn giám sát y tế, xét nghiệm theo hướng dẫn. Nếu về từ các tỉnh, thành phố khác phải thực hiện khai báo y tê qua cổng điện tử để phục vụ công tác giám sát khi cần thiết.
– Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, phối hợp cơ quan chức năng chủ động kiểm tra, vận động những người trở về Bà Rịa – Vũng Tàu từ các tỉnh, thành phố khác trong vòng 14 ngày qua thực hiện khai báo y tế.
8. Triển khai các phương án bảo đảm an toàn trong quá trình tiến hành tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND và bầu cử tại các điểm bầu cử, khu vực bầu cử.
9. Đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh hạn chế đến mức thấp nhất việc đi công tác, đi du lịch, thăm thân, di chuyển đến các tỉnh, thành phố, địa phương khác, đặc biệt là các địa phương đang có dịch. Thủ trưởng đơn vị xem xét, quyết định trường hợp cần thiết và yêu cầu cá nhân liên quan tuân thủ quy định khai báo hoặc cách ly y tế theo đúng hướng dẫn cùa Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh; đồng thời chịu trách nhiệm phổ biến, vận động và giám sát việc thực hiện nội dung này.
10. Sở Y tế có trách nhiệm:
– Chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực về vật tư, cơ sở vật chất, nhân lực để kịp thời kích hoạt các phương án, kịch bản phòng, chống dịch theo quy định; thiết lập dự phòng thêm khu cách ly khác khi cần thiết. Triển khai kế hoạch diễn tập ứng phó đối với các trường hợp có thể xảy ra.
– Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm soát chặt chẽ các nguy cơ có khả năng gây bùng phát dịch lớn từ những lỗ hổng trong các khu cách ly tập trung, quản lý người sau cách ly tập trung và quản lý người nhập cảnh.
– Kiện toàn thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, bảo đảm công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời ứng phó trước diễn biến của dịch Covid- 19 trên địa bàn tỉnh.
11. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu và các cơ quan liên quan tích cực phối hợp với ngành Y tế kiểm tra chặt chẽ công tác quản lý các bến tàu, cảng biển; quản lý xuất nhập cảnh và quản lý người nước ngoài, sàng lọc, hướng dẫn người nhập cảnh thực hiện kiểm dịch y tế, khai báo y tế và cách ly theo quy định nhằm khóa chặt nguy cơ lây bệnh từ bên ngoài.
Công an tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các lực lượng có liên quan báo cáo UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh xem xét thành lập và tổ chức hoạt động các chốt kiểm tra trên các tuyến đường vào tỉnh, nhằm kiểm soát về khai báo y tế, tình hình hoạt động giao thông từ tỉnh ra các địa phương khác và ngược lại, kịp thời phát hiện người vi phạm báo cáo Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để xử lý theo quy định. Xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành các quy định của pháp luật về phòng chống dịch. Phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp nhập cảnh trái phép cư trú và làm việc tại địa bàn tỉnh.
12. Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm:
– Tiếp tục rà soát, tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn; thực hiện nghiêm các giải pháp đảm bảo an toàn cho trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên, học viên, giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý giáo dục.
– Tăng cường trang thiết bị y tế, vệ sinh môi trường tại trường học như: máy đo thân nhiệt, nước sát khuẩn, xà phòng,…; duy trì thực hiện vệ sinh, tẩy trùng trường, lớp theo quy định.
– Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người học và cha mẹ học sinh về các biện pháp phòng, chống dịch.
– Phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở y tế địa phương theo dõi chặt chẽ sức khỏe của trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên, học viên, giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý giáo dục trong nhà trường, phát hiện sớm các trường hợp có biểu hiện mắc bệnh, thông báo ngay cho cơ quan y tế để được khám, điều trị kịp thời, kiên quyết không để dịch lây lan trong trường học; tăng cường kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, xử lý nghiêm các vi phạm.
– Căn cứ tình hình dịch bệnh tại địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh quyết định việc cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên trong các cơ sở giáo dục thường xuyên nghỉ học; hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học, trường cao đắng sư phạm và trung cấp sư phạm xem xét, quyết định cho sinh viên, học viên nghỉ học và thực hiện việc dạy và học theo hình thức trực tuyến.
13. Sở Tài chính tiếp tục theo dõi, rà soát tham mưu UBND tỉnh cân đối sử dụng nguồn ngân sách dự phòng để chi cho công tác phòng, chống dịch; hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, sử dụng kinh phí đáp ứng khẩn cấp cho nhu cầu phòng chống dịch bệnh Covid-19.
14. Đề nghị người đứng đầu các huyện, thị xã, thành phố phải chủ động lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch, chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ở địa phương mình; phải bố trí trực lãnh đạo để chỉ đạo xử lý công tác phòng chống dịch 24/24 giờ tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ lễ. Lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 các cấp phải duy trì liên lạc điện thoại 24/24 để kịp thời kết nối, xử lý thông tin khi có tình huống phát sinh.
Công tác chỉ đạo phòng chống dịch trên địa bàn của mỗi địa phương cần kịp thời, khẩn trương trong ngăn chặn, phát hiện và truy vết, sáng tạo và linh hoạt trong giải pháp. Tùy theo diễn biến của dịch, lãnh đạo các địa phương quyết định các biện pháp phù hợp để bảo đảm vừa phòng chống dịch, vừa bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, giao thông, sinh hoạt của nhân dân; không được có tâm lý trì trệ, chủ quan, chờ đợi văn bản cấp trên, không cứng nhắc về thủ tục, hành chính hóa công tác phòng, chống dịch bệnh. Các địa phương phải chủ động kịch bản đối phó với dịch bệnh khi có diễn biến phức tạp hơn. Huy động tối đa nguồn lực về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài chính… sẵn sàng đáp ứng công tác phòng chống dịch nhanh nhất.
Nguồn: Thông báo số 303/TB-UBND